Mô hình holdings: Chứ không phải “chiếc đũa thần”?

Do đó, khi quyết định theo mô hình này, Ban lãnh đạo của CII đã cân nhắc kỹ lưỡng, bắt đầu từ năm 2013 nhưng đến nay, việc chuyển đổi vẫn chỉ mới cơ bản hoàn tất.

“Đũa thần” gọi vốn

Vài năm trở lại đây, nhiều DN ở Việt Nam đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo cấu trúc của một “công ty holding”, điển hình như trường hợp của Hoàng Anh Gia Lai, Masan Consumer Holdings, Công ty CP Thế Giới Di Động, Công ty CP Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), Sơn Kim Investment Holdings…

Holdings là mô hình cơ bản của công ty hoạt động đa ngành và những ngành này phải mang tính bổ trợ nhau, trong đó, công ty mẹ đóng vai trò là cổ đông lớn tại các công ty con nhưng không trực tiếp điều phối kinh doanh.

Chẳng hạn, cách đây 3 năm, CII đã quyết định chuyển đổi mô hình từ công ty cổ phần sang holdings.

Đến nay, hoạt động của CII tách bạch ở 5 lĩnh vực, dưới sự quản lý của các công ty con, cụ thể là: Công ty CP Đầu tư Cầu đường CII (đầu tư, khai thác hạ tầng đường bộ tại Việt Nam), Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Hạ tầng (thu phí giao thông, duy tu bảo dưỡng đường và cây xanh), Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII (xây dựng các dự án cầu đường giao thông), Công ty CP Hạ tầng Nước Sài Gòn (Saigon Water, đầu tư vào ngành nước) và CII Land (đầu tư lĩnh vực bất động sản).

Hay như trường hợp của Sơn Kim Investment Holdings. Theo chia sẻ của đại diện DN này, giai đoạn 2008 – 2012, Sơn Kim đã tái cơ cấu mạnh mẽ, từ việc tiến hành kiểm toán, xây dựng hệ thống kiểm soát, nhân sự cho đến phân rõ chức năng, hoạt động của của từng công ty thành viên trong holdings.

Theo đó, bên dưới Sơn Kim Investment Holdings có Sơn Kim Retail chịu trách nhiệm sản xuất, bán lẻ trong lĩnh vực thời trang, may mặc, SonKim Land tập trung vào bất động sản (BĐS), và Công ty CP Vision 21 hướng đến ngành truyền thông.

Quá trình tái cơ cấu này hoàn tất năm 2012. Chưa đầy một năm sau quá trình tái cơ cấu, DN thu hút được đối tác chiến lược EXS Capital đầu tư hơn 37 triệu USD vào SonKim Land.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch HĐQT Sơn Kim Invesment Holdings, việc tách và phân rõ chức năng của từng công ty con, trước hết là để dễ huy động vốn từ nhà đầu tư (NĐT) ngoại, vì họ chủ yếu đầu tư theo chuyên ngành, việc tách công ty sẽ rút ngắn thời gian thẩm định cho NĐT.

Song, trong tương lai, mong muốn của DN này là trực tiếp huy động vốn từ holdings. “Tiềm năng của Sơn Kim Invesment Holdings là rất lớn nhưng để tạo ra giá trị của holding thì mỗi lĩnh vực chuyên ngành của chúng tôi phải hoạt động có hiệu quả, có như vậy, mới thuyết phục được NĐT”, ông Tuấn nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quốc Bình – Tổng giám đốc CII, cho rằng, ưu điểm của mô hình công ty holdings là mọi thứ rõ ràng, cho phép DN đi sâu sát vào chuyên ngành, chất lượng và cơ hội phát triển mạnh hơn vì trước hết, công tác huy động vốn để đầu tư, mở rộng hoạt động dễ dàng hơn.

Ngay như trường hợp của CII, nếu không tái cơ cấu theo mô hình này thì không huy động được hàng nghìn tỷ đồng từ Metro Pacific Tollways Corporation (MPTC) hay Manila Water (thuộc Tập đoàn Ayala, Philippines).

Đối với các các quỹ đầu tư tài chính thuần túy, để tiện cho vấn đề kiểm soát, họ thường không đầu tư theo chiều ngang mà chỉ chọn 1 hoặc 2 ngành trong holdings để rót vốn.

Không chỉ tạo ra ưu thế trong việc dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn (kể cả vốn vay ngân hàng), chính sự phân định chức năng rõ ràng của các công ty con trong cấu trúc của một holdings sẽ giúp DN tránh được sự đổ vỡ theo xu hướng dây chuyền.

Đây là cách mà không ít công ty lớn, trong đó có cả những công ty chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sử dụng để tự vệ.

Theo đó, họ sẽ sở hữu nhiều công ty con cho các mục đích khác nhau, một số công ty sẽ sở hữu thương hiệu sản phẩm, một số sở hữu nhà máy sản xuất, một số sở hữu bản quyền…

Trong trường hợp công ty gặp trục trặc, nhà máy có vấn đề thì thương hiệu sản phẩm cũng không bị mất đi.

“Nút thắt” của holdings

Về mặt lý thuyết, tuy nói sẽ tạo ra sự rõ ràng trong hoạt động của DN và nếu công ty này “vỡ”, thì công ty còn lại cũng không bị ảnh hưởng nhưng theo chia sẻ của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, điều này còn tùy thuộc vào nội tại của từng DN và có thể xem xét từ góc độ cơ cấu tài chính của DN đó (thu chủ yếu từ đâu, nợ ra sao…).

Chuyên gia này cho biết, đối với các quỹ đầu tư tài chính, họ định giá một DN hoạt động theo mô hình holdings hoặc bằng cách tính giá trị dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất của DN, hoặc theo từng ngành do một công ty con quản lý và thường thì giá trị của holdings lại thấp hơn giá trị từng công ty con.

Hiện tượng này là do cơ cấu tài chính, cũng như lợi thế của từng công ty thành viên, từng lĩnh vực trong holdings khác nhau.

Chẳng hạn, với một công ty holdings mà nguồn thu chủ yếu từ BĐS (mà dư nợ BĐS thường chiếm tỷ trong lớn trong tổng nợ của DN), trong khi những lĩnh vực khác chưa đến thời điểm gặt hái hay lợi nhuận còn hạn chế thì điều gì sẽ xảy ra nếu BĐS gặp khó khăn?

Chắc chắc giá trị của holdings sẽ bị ảnh hưởng, nếu holdings đã niêm yết thì giá cổ phiếu sẽ giảm.

Theo chia sẻ của ông Lê Quốc Bình, mắt xích và cũng có thể xe là “gót chân Achilles” của mô hình công ty holdings là hệ thống quản trị, hay nói đúng hơn là yếu tố con người.

Trong quá trình thay đổi cấu trúc DN, quản trị cũng phải thay đổi, nếu không kiểm soát tốt quá trình này có thể làm hỏng cả mô hình công ty cũ lẫn holdings.

Do đó, khi quyết định theo mô hình này, Ban lãnh đạo của CII đã cân nhắc kỹ lưỡng, bắt đầu từ năm 2013 nhưng đến nay, việc chuyển đổi vẫn chỉ mới cơ bản hoàn tất.

Ông Bình ví von, nếu trước đây, tức thời điểm chưa chuyển sang mô hình holdings “5 đứa con” ở chung nhà với “bố mẹ” thì nay chúng tách ra riêng, chúng muốn đi chơi ở đâu, làm gì là có ý riêng, nếu “bố mẹ” không có cơ chế giám sát phù hợp thì “con” rất dễ… sinh hư!

Vì thế, mắt xích quan trọng nhất để một công ty holdings hoạt động trơn tru nằm ở vấn đề quản trị con người và kiểm soát.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *